Sinh viên Đại học Bình Dương – Cà Mau tìm về các “ĐỊA CHỈ ĐỎ”

Giáo dục truyền thống là nhiệm vụ của nhà trường. Đối với mỗi trường, tùy theo nhiệm vụ của từng bậc học phải giúp học sinh, sinh viên hiểu và có trách nhiệm với cội nguồn.

Bên cạnh việc giáo dục kiến thức văn hóa, sức khoẻ, thẩm mỹ, chuyên môn nghề nghiệp và kỹ năng, Trường Đại học Bình Dương rất quan tâm đến giáo dục truyền thống. Nhiều chương trình, hoạt động giáo dục truyền thống có ý nghĩa tích cực nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho sinh viên đối với cội nguồn dân tộc và cha ông.

Tại Chi nhánh Đại học Bình Dương – Cà Mau, nhiều hoạt động về nguồn đã được tổ chức với nhiều hình thức mới mẻ thu hút sự tham gia tích cực của sinh viên. Đặc biệt là trong đợt thi đua lập thành tích chào mừng ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22 tháng 12, Đoàn thanh niên đã phát động, tổ chức hướng dẫn cho sinh viên “Đi tìm địa chỉ đỏ”. Đây là hoạt động hoàn toàn tự giác, những chuyến đi như thế đã giúp các em lớn lên về nhận thức, các em hiểu thêm về truyền thống xây dựng và bảo vệ đất nước của cha ông; giúp các em hiểu được sự hy sinh và ý chí đấu tranh ngoan cường, trí thông minh và lòng dũng cảm của con người Việt Nam trong gian lao thử thách. Kể từ khi phát động phong trào đến nay đã có 18 lượt các lớp tìm đến các “địa chỉ đỏ”. Lúc đầu một số sinh viên chỉ xem việc “Đi tìm địa chỉ đỏ” là những chuyến đi dã ngoại, nhưng khi đã tiếp cận với thực tế thì tư tưởng đó đã dần dần thay đổi. Đây là tâm sự của sinh viên lớp Cao đẳng Quản trị kinh doanh 10CQ0101 sau khi viếng Phủ thờ Bác ở xã Trí lực và tặng quà cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình chính sách “Trong hương thơm khói nhang và tìm hiểu về sự ra đời của Phủ thờ Bác tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, chúng em càng cảm nhận rõ hơn công lao to lớn của Bác Hồ đối với dân tộc Việt Nam và tấm lòng kính yêu, biết ơn sâu sắc của người dân Cà Mau với Bác. Hơn lúc nào hết chúng em càng thấy mình phải có trách nhiệm sống, làm việc và học tập hết mình theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Phủ thờ Bác tại xã Trí Lực, huyện Thới Bình

 Và đây là cảm nhận của sinh viên Đại học Tài chính Ngân hàng 14TC0101 khi đến Di tích lịch sử đồng Nọc Nạng “Chúng em vô cùng khâm phục tinh thần lao động khẩn hoang của gia đình nông dân; họ đã ngoan cường đấu tranh với thiên nhiên, với cường hào, với thực dân để bảo vệ mảnh đất máu thịt của mình. Qua chứng tích lịch sử chúng em được hiểu thêm về công cuộc đấu tranh của nông dân Bạc Liêu nói riêng, nông dân Nam bộ nói chung trong công cuộc khai phá đất, và chống lại những tên địa chủ, thực dân cướp đoạt ruộng đất của nhân dân".

 Di tích Nọc Nạng – huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu

Giáo dục truyền thống là nhiệm vụ của mỗi nhà trường; nhưng để  người học tiếp nhận một cách tự giác thì nội dung giáo dục cần được tổ chức thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, sinh động và có chiều sâu chứ không làm theo kiểu phong trào. Đưa sinh viên tìm đến thực tế là hoạt động có ý nghĩa thiết thực. “Đi tìm địa chỉ đỏ” thực sự là hoạt động hữu ích; nó khơi dậy trong các em niềm say mê, ý thức sâu sắc tự giác tìm hiểu và cảm nhận về di tích, về những địa danh, về những con người đã ghi dấu son trong lịch sử của dân tộc, của cha ông. Từ sự tự giác tìm hiểu học sinh sinh viên sẽ  nâng tầm nhận thức, có ý thức sâu sắc về trách nhiệm đối với bản thân trong học tập, trong quan hệ ứng xử, có trách nhiệm với đồng loại và với quê hương đất nước nhất là trong quá trình hội nhập với toàn cầu, một bộ phận thanh thiếu niên vọng ngoại mà quên đi bản sắc truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thủy Trúc

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn
Gọi ngay