“Khuyến đọc – Ngày hội nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên”

        Sáng ngày 25/12, Phân hiệu trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) Phụ Nữ (Hà Nội) tổ chức chương trình Khuyến đọc giao lưu với nhà văn Hoàng Quốc Hải với chủ đề “Giới trẻ Việt với văn hóa đọc”.

        Tham gia chương trình có nhà văn Hoàng Quốc Hải – Tác giả các tiểu thuyết lịch sử Tám triều vua Lý và Bão táp triều Trần; bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Phụ Nữ (Hà Nội);ông Phạm Thế Cường – Chủ nhiệm CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng; ông Trương Hoàng Thêm – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Cà Mau cùng với Ban Lãnh đạo, CBNV và hơn 200 sinh viên Phân hiệu và các cá nhân bên ngoài có cùng đam mê đọc sách.

(Quang cảnh buổi sinh hoạt)

        Chương trình “Khuyến đọc” được tổ chức nhằm giúp sinh viên Phân hiệu có cái nhìn chân thực hơn về nguồn cội và giá trị mà sách mang lại, từ đó nâng cao văn hóa đọc cho sinh viên. Trong buổi giao lưu, sinh viên Phân hiệu được nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ về những kỉ niệm tuổi thơ, cơ duyên ông đến với nghề và gắn bó với sách đến hôm nay. Đặc biệt, thông qua những câu chuyện mà ông chia sẻ, sinh viên Phân hiệu được tiếp thêm nguồn cảm hứng đọc sách và cảm nhận được tình yêu quê hương, đất nước từ chính ông. Nhà văn Hoàng Quốc Hải bộc bạch: Sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung cần nhận ra giá trị cội nguồn của lịch sử thông qua sách báo, bởi đó chính là những nền tảng cơ bản để mỗi người hình thành tư duy và đạo đức sống tích cực”. Song song đó, ông còn giới thiệu sơ lược về bộ tiểu thuyết “Tám triều vua Lý” và “Bão táp triều Trần” đến mọi người, thông qua đó ông đã phục dựng lại các sự kiện của quá khứ, tôn vinh những tinh hoa của người Việt ta từ bao đời nay một cách chân thật nhất, từ đó giúp sinh viên có cái nhìn cụ thể và trân quý những giá trị lịch sử hào hùng một thời của dân tộc.

(Nhà văn Hoàng Quốc Hải chia sẻ)

        Đại diện cho Nhà xuất bản Phụ Nữ (Hà Nội), bà Khúc Thị Hoa Phượng đã chia sẻ đến các bạn sinh viên về hiện trạng văn hóa đọc hiện nay của sinh viên nói riêng và người Việt Nam nói chung. Đồng thời, bà mong muốn các bạn sinh viên hãy chủ động trong việc đọc sách và có phương pháp đọc hiệu quả để tự rèn luyện, trau dồi vốn sống cho bản thân.

(Bà Khúc Thị Hoa Phượng – Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Phụ Nữ (Hà Nội) giao lưu cùng sinh viên Phân hiệu)

        “Để đọc sách hiệu quả, chúng ta không cần tập trung số lượng mà hãy quan trọng chất lượng. Để truyền lửa đam mê đọc sách cho mọi người, chúng ta cần là người tiên phong trong các hoạt động về sách, hãy đọc để hiểu và qua đó điều chỉnh, hoàn thiện bản thân phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội. Đó là giá trị tích cực mà sách mang lại”, cô Trần Huỳnh Nhị – Giảng viên trường THPT Nguyễn Thông (Vĩnh Long) chia sẻ.

        Bên cạnh hoạt động giao lưu sách với nhà văn Hoàng Quốc Hải, trong thời gian qua, Phân hiệu trường Đại học Bình Dương tại Cà Mau đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hình thành và nâng cao văn hóa đọc cho cán bộ, sinh viên, cụ thể như: Tổ chức định kỳ Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách; giúp sinh viên trưng bày sách theo chủ đề, chủ điểm hàng tháng; tổ chức cho sinh viên tham gia các cuộc thi cảm nhận về sách do Thư viện tỉnh phát động hay sinh hoạt chuyên đề giới thiệu sách mỗi tháng dành cho cán bộ nhân viên Phân hiệu,…Thông qua các hoạt động trên, Nhà trường mong muốn mỗi cá nhân sẽ tự rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, trau dồi kiến thức chuyên môn và thái độ sống tích cực.

(Sinh viên Trần Như Ý đặt câu hỏi giao lưu với khách mời)

        Sinh viên Trần Như Ý (Lớp 21QT0101) bộc bạch: “Tham gia buổi sinh hoạt lần này, đối với em đó là một hoạt động rất ý nghĩa, đây không đơn thuần là buổi sinh hoạt để chúng em được tiếp cận gần hơn những kiến thức từ các chuyên gia mà đây còn là cơ hội để bản thân mỗi người nhận ra ưu, nhược điểm để hoàn thiện mình”.

        Sách là 1 trong 5 người thầy quan trọng mà Trường Đại học Bình Dương luôn gợi mở cho sinh viên. Chắc chắn sẽ không có sinh viên không đọc sách mà có kiến thức sâu rộng và giàu các kỹ năng học tập cũng như kỹ năng sống. Vì thế đọc sách vừa là cách tiếp cận thông tin, lĩnh hội tri thức bền vững vừa là một nét văn hóa lâu đời gắn liền với mỗi người. Dù cho phương tiện nghe nhìn hiện đại đến đâu cũng không thể thay thế cho việc đọc sách. Đọc để thay đổi tư duy và động lực thay đổi cuộc đời. Thông qua những hoạt động trên, Phân hiệu đã giúp các em sinh viên thay đổi quan điểm, tư duy sống và tích cực trau dồi kiến thức thông qua nguồn tri thức từ sách. Từ đó góp phần duy trì và nâng cao văn hoá đọc cho sinh viên.

        Nhà văn Hoàng Quốc Hải sinh năm 1938 tại huyện Kim Thànhtỉnh Hải Dươngnhà văn nổi tiếng trong lĩnh vực tiểu thuyết lịch sử. Năm 19571960, là học sinh Trường phổ thông cấp 3 Ngô Quyền (Hải Phòng); là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 1962-1966, ông công tác ở Báo Vùng Mỏ (tờ báo của ngành Than, tiền thân của Báo Quảng Ninh hiện nay), nhưng làm nghề viết văn chứ không phải làm phóng viên. Hiện nay, ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

 

 

 

Một số hình ảnh khác:

(Bà Khúc Thị Hoa Phượng tặng quà tri ân cho thầy Đinh Chí Hiếu – Bí thư Chi bộ, Phân hiệu phó Phân hiệu ĐHBD Cà Mau)

(Cô Trần Huỳnh Nhị – Giáo viên trường THPT Nguyễn Thông (Vĩnh Long) chia sẻ phương pháp đọc đến mọi người)

 

(Ông Trương Hoàng Thêm – Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Cà Mau chia sẻ cảm xúc)

(Sinh viên Phân hiệu chụp ảnh kỉ niệm cùng nhà văn Hoàng Quốc Hải và bà Khúc Thị Hoa Phượng)

Bài và ảnh: Bộ phận Truyền thông Phân hiệu

 

 

 

 

 

Liên hệ tư vấn
Liên hệ tư vấn
Gọi ngay