Không ồn ào phố thị, không tiếng chuông báo deadline, ngày Chủ nhật cuối tuần của các thành viên CLB Kỹ năng sống trở nên đặc biệt hơn khi được sống chậm lại giữa chốn quê yên ả, nơi có nghề dệt chiếu truyền thống đang lặng lẽ được hun đúc và gìn giữ qua năm tháng.
Địa điểm của hành trình lần này là nhà dì Bảy Toa (tên thật là Trần Thị Mười), ở ấp Mương Đường, xã Tạ An Khương, tỉnh Cà Mau. Tại đây, các bạn sinh viên được tìm hiểu từng công đoạn công phu của nghề dệt chiếu truyền thống: Từ chọn lác, chẻ lác, nhuộm màu, cho đến lên khung, dệt hoa văn và hoàn thiện sản phẩm. Không chỉ là quan sát, các bạn còn được tận tay trải nghiệm, được nghe bà Bảy kể lại những ký ức một thời gắn bó với nghề. Dì Bảy chia sẻ: “Nằm chiếu này vào mùa hè thì mát lạnh, mùa đông lại ấm áp. Đặc biệt, khi nằm còn cảm nhận được mùi thơm dịu nhẹ của cây lác, cái mùi hương đồng cỏ nội đặc trưng của vùng đất Cà Mau, mộc mạc mà gần gũi, ấm áp tới lạ thường”.
(Các bạn sinh viên được hướng dẫn cách luồn sợi lác vào khung dệt để làm chiếu)
(Để dệt nên chiếc chiếu không chỉ là sự tỉ mỉ mà còn đòi hỏi kỹ thuật lành nghề của người thợ)
Ở Cà Mau, nhiều gia đình sống bằng nghề dệt chiếu qua nhiều thế hệ. Chính niềm yêu nghề là động lực để mỗi chiếc chiếu không chỉ đẹp mà còn sang trọng, tinh tế. Dù thị trường cạnh tranh với nhiều loại chiếu ngoại nhập nhưng chiếu Cà Mau vẫn được tin dùng nhờ độ bền, nét đẹp văn hóa và cả câu chuyện gắn liền với vùng đất này. Làng nghề cũng là một phần trong bức tranh du lịch văn hoá quê hương, giúp quảng bá Cà Mau đến với du khách gần xa.
(Bữa cơm vị quê nhà được chính tay các bạn CLB thực hiện)
Sau buổi tham quan, các bạn còn cùng với dì Bảy nấu bữa cơm quê ấm áp vị quê nhà, bên bếp lửa nghi ngút khói, tiếng cười và câu chuyện đan xen như kéo mọi người lại gần nhau hơn. Trong khoảnh khắc giản dị ấy, giữa nhịp sống bộn bề, các bạn trẻ như tìm lại một phần ký ức xưa vừa bình yên vừa sâu lắng.
(Một bức ảnh kỉ niệm của các bạn trẻ cùng dì 7)
Những chuyến đi như thế này không chỉ là trải nghiệm kỹ năng sống mà còn là cơ hội để chạm vào giá trị văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng sự yêu thương, biết ơn và trân trọng những điều tưởng chừng rất đỗi bình thường quanh ta.
Bài, ảnh: Team Media