Từ giảng đường đến doanh nghiệp – Hành trình trưởng thành từ trải nghiệm
ThS. Lưu Đức Thượng – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ việc làm và Quan hệ doanh nghiệp của Phân hiệu, cho biết: “Để sinh viên có thêm động lực, học đi đôi với hành, nhà trường tổ chức thường xuyên các đợt tham quan, kiến tập, thực tập tại các doanh nghiệp và đơn vị chuyên môn. Qua đó, các bạn không chỉ có cơ hội tiếp cận công việc thực tế mà còn định vị được năng lực của bản thân để có hướng đi phù hợp, tránh tình trạng học xong nhưng không biết mình cần gì và phù hợp với điều gì”.
(Sinh viên tham gia học tập, trải nghiệm tại Mobifone Cà Mau)
Không chỉ sinh viên các khối ngành kinh tế, kỹ thuật mà ngay cả sinh viên ngành Luật Kinh tế cũng được tạo điều kiện học hỏi từ thực tiễn nghề nghiệp. Bạn Trần Phúc Nhã Mil, sinh viên năm 4 ngành Luật kinh tế, bày tỏ: “Dù đang bước vào giai đoạn nước rút với nhiều môn học cần hoàn thành, em không cảm thấy quá áp lực. Bởi bên cạnh kiến thức lý thuyết, em và các bạn còn được tham gia nhiều hoạt động định hướng nghề nghiệp do nhà trường tổ chức như: thực tế tại cơ quan, Talkshow Chuyện nghề luật, phiên tòa giả định... Những trải nghiệm ấy giúp chúng em hiểu rõ hơn về công việc sau này và xác định được hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp”.
Tương tự, bạn Phan Hoàng Khang, sinh viên năm 3 ngành Kế toán, cho biết: “Vừa qua, em có cơ hội tham gia buổi chia sẻ chuyên đề “Kỹ năng tìm kiếm và ứng tuyển việc làm” do Phân hiệu phối hợp với Công ty Cổ phần MISA Cần Thơ tổ chức. Tại đây, em đã học được rất nhiều bài học bổ ích từ kỹ năng giao tiếp, tác phong chuyên nghiệp cho đến kinh nghiệm và những mẹo nhỏ trong quá trình ứng tuyển. Đây đều là những điều quý giá mà chỉ khi được trực tiếp trải nghiệm, em mới có thể lĩnh hội trọn vẹn”.
Liên kết doanh nghiệp – mở rộng cơ hội học tập và phát triển kỹ năng
Nhằm tăng cường các điều kiện hỗ trợ người học, mới đây, Phân hiệu đã tái ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) với Ngân hàng TMCP Phương Đông – Chi nhánh Cà Mau. Thỏa thuận không chỉ mở rộng cơ hội thực tập, tuyển dụng cho sinh viên ngành tài chính – ngân hàng mà còn hỗ trợ sinh viên tiếp cận các tiện ích tài chính như mở tài khoản, quản lý tài chính cá nhân, thanh toán học phí không tiền mặt…

(Tăng cường kí kết thỏa thuận hợp tác nhằm mang lại nhiều cơ hội học tập, việc làm cho sinh viên)
Song song với đó, sinh viên các ngành còn được tạo điều kiện học tập, trải nghiệm tại nhiều đơn vị thực tế như: Mobifone Cà Mau – nơi sinh viên tham gia học tập môn học Dự án đầu tư khởi nghiệp; Cảng hàng không Cà Mau – nơi sinh viên được tìm hiểu hoạt động vận hành, dịch vụ logistics; khách sạn Mường Thanh – nơi sinh viên thực hành kỹ năng lễ tân, giao tiếp, tác phong chuyên nghiệp… Những mô hình học tập thực tế này giúp sinh viên không chỉ học để biết mà còn học để làm.
Bạn Dương Phước Thiện, sinh viên ngành Quản trị kinh doanh khóa 27, hào hứng chia sẻ: “Trước giờ em nghĩ tham gia các hoạt động bên ngoài chỉ để lấy điểm, nhưng khi được trực tiếp trải nghiệm mô hình hoạt động tại doanh nghiệp, em hiểu rõ hơn về yêu cầu của nhà tuyển dụng, học được cách làm việc nhóm, giao tiếp và xử lý tình huống. Những kỹ năng này không có trong sách vở mà chỉ có thể học được từ thực tiễn”.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động ngắn hạn, nhà trường đang từng bước thiết lập chương trình đào tạo gắn kết bền vững giữa giảng đường và thị trường lao động. Bằng việc đa dạng hóa đối tác hợp tác, tổ chức các hoạt động thiết thực như hội thảo nghề nghiệp, tọa đàm hướng nghiệp, ngày hội việc làm, thực tập chuyên môn, Phân hiệu kỳ vọng sẽ giúp sinh viên từng bước định hình tương lai, sẵn sàng hội nhập khi ra trường.
Có thể thấy, mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp không chỉ giúp sinh viên cọ xát với thực tế mà còn rèn luyện kỹ năng mềm, thái độ làm việc chuyên nghiệp và sự chủ động thích nghi với môi trường biến động không ngừng. Với sự đồng hành từ nhà trường và doanh nghiệp, hành trình trưởng thành của sinh viên sẽ được tiếp thêm động lực, kỹ năng và bản lĩnh để bước vững vàng trên con đường sự nghiệp trong tương lai.
Bài, ảnh: Team Media